Từ thế kỷ 19 cho đến Chiến tranh thế giới thứ nhất Lịch_sử_Đức

Chiến tranh Giải phóng chống Napoléon (1789-1815)

Đọc bài chính về Chiến tranh Giải phóng (Đức)

Tiếp theo sau cuộc Cách mạng Pháp là liên minh giữa Phổ và Áo chống lại nước Pháp năm 1791. Sau một vài thành công ban đầu, liên minh bị đẩy lùi về thế thủ sau khi thất trận Valmy trong tháng 9 năm 1792. Tiếp theo sau đó là bốn cuộc chiến tranh khác chống lại nước Pháp cho đến 1809.

Năm 1799 hoàng đế Napoléon I của Pháp thu tóm lấy quyền lực về tay ông. Nước Áo phải nhượng phần đất Hà Lan của Áo. Các vùng tả ngạn sông Rhein cũng thuộc về Pháp sau Hòa ước Lunéville năm 1801. Đổi lại, các hầu tước Đức nhận vùng đất hữu ngạn sông Rhein. Ngoài ra Napoléon đã nâng Bayern, SachsenWürttemberg lên thành vương quốc.

Năm 1805 nước Áo thua Trận Ba Hoàng đếAusterlitz (Trận Austerlitz) và phải nhường các vùng đất Thượng Ý về cho Vương quốc Ý và hai vùng đất VorarlbergTirol về cho Bayern. Khi 16 hầu tước Đức quy tụ lại thành Liên minh Rhein (Rheinbund) năm 1806, Hoàng đế Franz II phải từ bỏ vương miện hoàng đế Đức dưới áp lực của Napoléon sau khi thành lập Đế chế Áo năm 1804 để có thể đứng ngang hàng với Napóleon. Điều này đồng nghĩa với việc chấm dứt đế quốc La Mã Thần thánh dân tộc Đức sau 842 năm tồn tại.

Vào ngày 16 tháng 10 năm 1806 Phổ thua Trận Jena-Auerstedt. Quân đội Napoléon tiến vào Berlin. Trong Hòa ước Tilsit 1807 Phổ đã mất đi phân nửa các vùng đất đã lấy được sau cuộc chia cắt Ba Lan lần thứ hai và lần thứ ba về cho Công quốc Warsaw và chỉ nhờ vào sự can thiệp của Nga mà vẫn còn tồn tại như là một quốc gia. Áo cũng phải nhượng các phần đất đang chiếm đóng sau khi chia cắt Ba Lan lần thứ ba về cho Công quốc Warsaw. Một cuộc nổi dậy ở Tirol (Andreas Hofer) đã bị Napoléon dập tan.

Dưới sự lãnh đạo của Heinrich Friedrich Karl Freiherr của SteinKarl August của Hardenberg, một phong trào cải cách xuất hiện trong Vương quốc Phổ giữa 18071813 (Cải cách Phổ). Quân đội được cải tổ bởi Gerhard của ScharnhorstAugust của Gneisenau và hệ thống giáo dục bởi Wilhelm von Humbolt.

Trận Leipzig

Sau chiến bại của Napoléon trong cuộc chinh chiến Nga năm 1812, tại Phổ đã có nhiều cuộc nổi dậy. Khi vị tướng Phổ Yorck của Wartenburg tự ý thỏa thuận ngưng chiến với Nga trong tháng 12 năm 1812, dưới áp lực của quần chúng, vua Phổ liên minh với Nga hoàng chống lại Pháp.

Sau khi Anh, Thụy Điển và Áo cùng tham gia liên minh, Pháp thua Trận Leipzig mang tính quyết định vào tháng 10 năm 1813. Các quốc gia của Liên minh Rhein đứng về phía của liên minh mới. Các cuộc chiến chống Napoléon đã dẫn đến một niềm tự hào quốc gia mới trong nước Đức.

Mùa xuân năm 1814 quân đội liên minh kéo vào Paris. Napoléon I bị bắt buộc phải thoái vị. Khi lại giành lấy được quyền lực vào năm 1815 trong nước Pháp, quân đội liên minh cuối cùng đã chiến thắng Napoléon trong Trận Waterloo vào ngày 18 tháng 6 năm 1815.

Liên minh Đức: Thời kỳ tái kiến thiết

Đọc bài chính: Liên minh Đức

Hội nghị Wien dưới sự lãnh đạo của Metternich đã mang lại một trật tự mới cho châu Âu. Mục đích của Hội nghị Wien là việc bảo vệ hòa bình lâu dài bằng cách tạo nên một cân bằng giữa các thế lực lớn nhưng cũng có mục đích tái kiến thiết lại hệ thống chính trị cũ. Áo, Phổ và Nga trong Liên minh Thần thánh đã thỏa thuận sẽ chống lại tất cả các phong trào mang tính quốc gia dân tộc và cách mạng.

Liên minh Đức 1815-1866

Phổ nhận lại vùng đất từ việc chia cắt Ba Lan lần thứ hai cộng với Danzig, Rheinland, Westfalen và vùng phía Bắc của Sachsen, Áo giữ được vùng đất từ cuộc chia cắt Ba Lan lần thứ nhất (Galicia), tự nguyện bỏ vùng đất Hà Lan thuộc Áo và nhận thay vào đấy là Veneto, Lombardia và nhiều phần đất khác trên Bán đảo Balkan. Pháp giữ được vùng Elsass. Ngoài ra Liên minh Đức (Deutscher Bund) được thành lập bao gồm 39 hầu tước độc lập, trong đó có cả vua của Anh, Đan Mạch và Hà Lan.

Cơ quan có thẩm quyền ra nghị định của Liên minh Đức là Quốc hội Liên Bang (Liên minh Đức) (Bundestag (Deutscher Bund)), hội họp tại Frankfurt am Main do Áo làm chủ tọa. Ý nguyện muốn tạo nên một quốc gia dân tộc Đức thống nhất của quần chúng đã không được các hầu tước xem xét đến.

Sau khi nhà văn August von Kotzebue bị giết chết trong năm 1819 Metternich đã ra Quyết định Karlsbad cấm các hội sinh viên và tất cả các tổ chức chính trị khác, đồng thời tiến hành việc kiểm duyệt toàn diện. Thế nhưng cuối cùng ông cũng không thể ngăn chận được việc phong trào dân tộc Đức lại tiếp tục vững mạnh trong thời gian của cái được gọi là Thời trước tháng Ba (Vormärz). Năm 1817 rất nhiều sinh viên đã tụ họp tại Lễ hội Wartburg. Được cổ vũ bởi cuộc Cách mạng tháng Bảy trong nước Pháp, phong trào đã đạt đến một đỉnh cao mới trong Lễ hội Hambach từ 27 tháng 5 đến 30 tháng 5 năm 1832 với 30.000 người tham gia.

Về mặt kinh tế, nước Đức đã được thống nhất bởi Liên minh Thuế quan Đức được thành lập vào ngày 1 tháng 1 năm 1834. Công nghiệp hóa đang bắt đầu và việc xây dựng các tuyến đường sắt đầu tiên đã làm cho nền kinh tế tăng trưởng đáng kể.

Cách mạng tháng 3 năm 1848

Bài chi tiết: Cách mạng tháng Ba

Cách mạng tháng Hai năm 1848 trong nước Pháp đã dẫn đến Cách mạng tháng Ba trong các quốc gia Đức. Tại Áo đã có nhiều cuộc chiến trên đường phố. Metternich từ chức vào ngày 13 tháng 3 và chạy trốn sang Anh quốc.

Hoàng đế Ferdinand I ban hành hiến pháp trong tháng 4 năm 1848 và cho phép người dân có thể tổ chức lực lượng vũ trang tự bảo vệ. Tại Hungary, Ý và các lãnh thổ Slavơ đã có nhiều cuộc nổi dậy nhưng đều bị quân đội của hoàng đế dập tắt.

Dưới áp lực của quần chúng, vua Phổ Friedrich Wilhelm IV cho phép hoàn thành hiến pháp và cho phép người dân có quyền tự do báo chí và tự do tụ họp. Các quốc gia nhỏ như Baden đã cố gắng ngăn ngừa các cuộc bạo loạn bằng cách triệu tập nhiều nhân vật của phái tự do và phái dân tộc tham gia chính phủ. Mặc dù vậy, trong thời gian tiếp theo sau đó của cuộc Cách mạng, chính Baden và Sachsen đã trở thành trung tâm của các cuộc nổi dậy mang tính dân chủ quá khích.

Đại hội Quốc gia Frankfurt trong Nhà thờ Thánh Phao-lô

Vào đầu tháng 5, gần như trong toàn bộ các quốc gia đều tổ chức bầu cử Đại hội Quốc gia Frankfurt (Frankfurter Nationalversammlung - tức Quốc hội). Thế nhưng chỉ trong 6 quốc gia là được quyền bầu cử trực tiếp. Trong tất cả các quốc gia còn lại, một phương cách bầu gián tiếp thông qua các ủy viên bầu cử trung gian đã được áp dụng.

Thành phần trong quốc hội bao gồm cả những người theo chế độ quân chủ chuyên chính bảo thủ lẫn những người theo chế độ tự do và cộng hòa. Trong khi tầng lớp trí thức và quần chúng có học thức chiếm tỷ lệ cao thì công nhân và nông dân lại không có đại diện trong quốc hội.

Vào ngày 18 tháng 5 một chính phủ trung tâm tạm thời được thành lập và được các hầu tước Đức công nhận. Thế nhưng chính phủ này lại gần như không có quyền lực vì không có quân đội, cảnh sát và nhân viên nhà nước riêng.

Quốc hội phải quyết định về ranh giới của một quốc gia dân tộc Đức trong tương lai. Đầu tiên, cái gọi là Giải pháp Đức Lớn được ưu tiên lựa chọn. Thế nhưng vì Áo chỉ đồng ý khi giải pháp bao hàm toàn bộ lãnh địa nên cuối cùng Giải pháp Đức Nhỏ được lựa chọn, dự kiến việc thành lập một quốc gia Đức loại trừ Áo.

Vào ngày 28 tháng 3 năm 1849 Hiến pháp Nhà thờ Thánh Phao-lô (Paulskirchenverfassung) được thông qua, dự kiến một quốc gia liên bang với chính phủ trung tâm dưới sự lãnh đạo của một hoàng đế có quyền thừa kế và một Quốc hội Đế chế (Reichstag) đóng vai trò hành pháp. Thêm vào đấy quyền bầu cử chung phổ thông được thỏa thuận.

Sau khi vua Phổ Friedrich Wilhelm IV từ chối vương miện hoàng đế vào ngày 2 tháng 4, phần lớn các quốc gia Đức đều triệt hồi các nghị sĩ của họ từ Frankfurt. Các cuộc nổi dậy tại Dresden, PfalzBaden với mục đích bắt buộc phải hiện thực hiến pháp đều bị dập tắt. Những người cách mạng cuối cùng đã đầu hàng vào ngày 23 tháng 7 tại Rastatt. Hiến pháp chưa từng bao giờ có hiệu lực. Rất nhiều người bị truy nã về chính trị sau đấy đã rời bỏ quê hương, đặc biệt là sang Mỹ.

Thời gian phản cách mạng và các cuộc chiến tranh thống nhất

Các nhượng bộ trong thời gian Cách mạng đều bị hủy bỏ. Mặt khác, một số thành quả như Hiến pháp và quyền tự do hành nghề vẫn được bảo tồn.

Năm 1850 Liên minh Đức (Deutscher Bund) được tái thành lập. Sau khi tổ chức chính trị được phép thành lập năm 1860, nhiều đảng phái và công đoàn đã thành hình. Năm 1863 Ferdinand Lassalle thành lập Liên hiệp Công nhân Đức Phổ thông (Allgemeine Deutsche Arbeiterverein), đảng mà cuối cùng đã hòa nhập vào Đảng Dân chủ Xã hội Đức (Sozialdemokratische Partei Deutschlands – SPD) vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.

Otto von Bismarck, vị thủ tướng đã thống nhất nước Đức

Xung đột Hiến pháp Phổ bắt đầu vào năm 1859, dẫn đến việc bổ nhiệm Otto von Bismarck vào cương vị thủ tướng Phổ và tăng cường quyền lực của nhà vua đối với quốc hội năm 1862.

Năm 1864 cuộc chiến tranh của Phổ và Áo chống lại Đan Mạch bùng nổ do Đan Mạch xâm chiếm Schleswig. Với sự đồng ý của các thế lực lớn châu Âu, hai quốc gia Đức tái chiếm lĩnh các công quốc Holstein và Schleswig.

Phổ giành phần thắng lợi trong cuộc Chiến tranh chống lại nước Áo tiếp theo đấy vào năm 1866, thôn tính Hannover, Nassau, Kurhessen, Hessen-Homburg, Schleswig-HolsteinFrankfurt. Thêm vào đó, Liên minh Bắc Đức (Norddeutscher Bund) dưới sự lãnh đạo của Phổ được thành lập. Vì thế nước Áo ly khai ra khỏi Đức. Nền độc lập của Bayern, WürttembergBaden được công nhận dưới áp lực của Pháp.

Tiếp theo đấy là căng thẳng giữa Pháp và Phổ. Leopold của Hohenzollern-Sigmaringen ứng cử ngai vàng Tây Ban Nha là nguyên cớ cho cuộc Chién tranh Đức Pháp 1870/1871.Napoléon III khiêu khích cuộc chiến bằng cách đòi các vùng đất ở sông Rhein và Bismarck phản ứng với bức Điện báo Ems (Emser Depesche). Sau khi Pháp tuyên chiến, Phổ đã có thể lôi kéo tất cả các quốc gia Đức và các thế lực lớn còn lại của châu Âu về phía mình. Nước Pháp của Napoléon III bị bắt buộc phải đầu hàng qua chiến thắng của Phổ ở Sedan. Sau đấy, một chính phủ cộng hòa được thành lập tại Paris, phủ nhận các yêu sách của Phổ.

Cuộc chiến vì thế mà lại được tiếp tục và chỉ chấm dứt vào năm 1871 khi Pháp đầu hàng. Trong Hòa ước Frankfurt am Main, nước Pháp buộc phải từ bỏ vùng Elsass-Lothringen và phải trả tiền bồi thường chiến tranh.

Nhờ vào một số nhân nhượng, Bismarck đã có thể thúc đẩy được các quốc gia Nam Đức gia nhập Liên minh Bắc Đức. Lễ thành lập Đế chế Đức được tiến hành vào ngày 18 tháng 1 năm 1871 trong Đại Sảnh Gương của Lâu đài Versailles. Vua Phổ nhận danh hiệu Hoàng đế Đức.

Đế chế Đức

Bài chi tiết: Đế chế Đức
Lễ thành lập Đế chế Đức, Bismarck với lễ phục màu trắng

Hiến pháp Đế chế Đức năm 1871 nhấn mạnh đến yếu tố quân chủ, vì thế mà tương lai của nước Đức phụ thuộc chính vào tài năng của hoàng đế. Phổ chiếm trên hai phần ba diện tích và dân số, do vậy mà có quyền phủ quyết khi thay đổi hiến pháp trong quốc hội liên bang.

Bismarck theo đuổi chính sách thay đổi đảng liên minh. Trong khuôn khổ của cuộc Đấu tranh Văn hóa (Kulturkampf) 1871 đến 1886 chống lại Nhà thờ Công giáo, Bismarck đã liên lết với những người theo đường lối tự do. Mặc dù nhiều biện pháp lại bị hủy bỏ sau cuộc Đấu tranh Văn hóa nhưng một số thành quả vẫn còn tồn tại, thí dụ như hôn nhân dân sự và việc nhà nước quản lý và giám sát hệ thống giáo dục.

Phe đối địch kế tiếp của Bismarck là những người Chủ nghĩa Xã hội. Bismarck đã lợi dụng dư luận công chúng sau vụ mưu sát Hoàng đế Wilhelm I để thông qua Đạo luật dành cho người theo Chủ nghĩa Xã hội (Sozialistengesetze). Thế nhưng chúng cũng không ngăn cản được việc các ý tưởng của Chủ nghĩa Xã hội đã lan truyền rộng rãi.

Song song với việc này, Bismarck đã cố gắng tác động chống lại việc quá khích hóa của công nhân bằng nhiều đạo luật về xã hội. Vì thế, bảo hiểm y tế bắt đầu được triển khai vào năm 1883, bảo hiểm tai nạn năm 1884 và bảo hiểm hưu năm 1889. Thế nhưng Bismarck đã phủ quyết đã những đòi hỏi khác của phái Xã hội Dân chủ.

Đế chế Đức, theo ý muốn của Bismarck không bao gồm Áo

Về mặt kinh tế, nhờ vào có một khu vực kinh tế thống nhất hình thành nhờ vào việc thành lập Đế chế Đức và được tạo điều kiện thuận lợi thông qua việc trả tiền bồi thường chiến tranh của Pháp mà nền kinh tế tăng trưởng rất nhanh. Thế nhưng việc này lại dẫn đến cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1873.

Về mặt đối ngoại Bismarck theo đuổi một chính sách cân bằng lực lượng giữa các thế lực lớn. Do vươn lên trở thành thế lực lớn nhất trên lục địa châu Âu, nước Đức đã làm cho các nước láng giềng lo ngại. Để ngăn cản các thế lực lớn còn lại liên minh với chau chống Đức, Bismarck đã áp dụng một chính sách ngoại giao khéo léo để xây dựng một liên minh có mục đích cô lập nước Pháp.

Nhằm giảm bớt nỗi lo ngại của các thế lực lớn còn lại, trong cuộc Khủng hoảng chiến tranh trước mắt (Krieg-in-Sicht-Krise) năm 1875 Bismarck đã từ bỏ đòi hỏi mở rộng lãnh thổ nhưng năm 1884 lại yêu cầu cho phép thương gia Đức chiếm lĩnh thuộc địa dưới sự bảo hộ của Đế chế. Thế nhưng các thuộc địa này không có tầm quan trọng lớn về mặt kinh tế.

Wilhelm I mất trong Năm Ba Hoàng đế (Dreikaiserjahr) 1888Wilhelm II kế thừa cha của ông là Friedrich III, người chỉ cai trị 99 ngày do mang trọng bệnh. Khi Wilhelm II bãi nhiệm Bismarck năm 1890, chính sách đối ngoại của Đức có nhiều thay đổi. Ngược với các hoàng đế trước đó, vị hoàng đế mới tự nắm lấy quyền điều hành chính sách ngoại giao. Việc này đã dẫn đến việc nước Đức ngày càng bị cô lập.

Chính sách đối nội mang dấu ấn của thay đổi cấu trúc và vấn đề xã hội. Thủ tướng Đế chế Leo von Caprivi (1890-1894) đi theo chiều hướng cải tổ xã hội. Thế nhưng các cải tổ khác về chính trị lại thất bại.

Dưới thời thủ tướng Chlodwig zu Hohenlohe-Schillingsfürst (1894-1900), về mặt đối nội mặc dù có thể ban hành được Bộ Luật Dân sự (Đức) (Bürgerliches Gesetzbuch) nhưng từ 1886 mâu thuẫn với phái Xã hội Dân chủ lại càng thêm trầm trọng (Dự Luật Trại giam – Zuchthausvorlage), về mặt đối ngoại, đây là thời gian bắt đầu chính sách đế quốc trên thế giới của Đức với những cố gắng thân thiện với Nga trong khi quan hệ Đức-Anh ngày càng xấu đi. Người thủ tướng già gần như không thể cưỡng lại được sự độc đoán của hoàng đế.

Vị thủ tướng kế nhiệm Berhard von Bülow (1900-1909) công khai ủng hộ các mong muốn của hoàng đế. Quan hệ với Anh và Nga tiếp tục xấu đi. Theobald von Bethmann Hollweg (1909-1917), vị thủ tướng kế tiếp, cố gắng cân bằng quan hệ với nước Anh nhưng đã không có thể phá vỡ được hệ thống liên minh. Anh quốc đã có thể giảng hòa với Pháp trong mâu thuẫn về thuộc địa và vấn đề của bán đảo Balkan đã đưa Nga lên ngang hàng với các cường quốc phía Tây. Áo-Hung và Đế quốc Ottoman liên kết với Đế chế Đức.

Cuối cùng, việc người kế thừa ngai vàng của Áo, Franz Ferdinand, bị giết chết vào ngày 28 tháng 6 năm 1914 tại Sarajevo đã làm bùng nổ Chiến tranh thế giới thứ nhất. Không những ảnh hưởng của giới chính trị mà ngay cả quyền lực của hoàng đế cũng giảm đi rõ rệt, trên thực tế ban chỉ huy quân đội tối cao dưới quyền của Paul von Hindenburg đã nắm quyền điều hành. Trong khi chiến thắng ở mặt trận phía đông, tình hình tiếp tế cho mặt trận phía tây ngày càng tồi tệ đi. Tháng 10 năm 1918, khi một lần nữa phải ra khơi đối địch với Hải quân Hoàng gia (Anh), thủy thủ của hạm đội Đức đã nổi loạn.

Chỉ trong vài ngày, cuộc nổi dậy của những người thủy thủ lan truyền đi khắp trong nước Đức và đã trở thành cuộc Cách mạng tháng Mười một. Vào ngày 9 tháng 11, thủ tướng Đế chế Max von Baden tuyên bố hoàng đế thoái vị. Wilhelm II tuân phục quyết định này và lưu vong ra nước ngoài. Max von Baden trao quyền lực chính phủ lại cho Friedrich Ebert. Buổi chiều ngày hôm đó Philipp Scheidemann tuyên bố thành lập nền cộng hòa.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Lịch_sử_Đức http://www.camelotintl.com/world/02frederick_the_g... http://www.camelotintl.com/world/02frederick_willi... http://www.camelotintl.com/world/europe.html http://www.rootsweb.com/~deubadnw/history/maps/map... http://www.bpb.de/ http://www.documentarchiv.de/ http://www.erlangerhistorikerseite.de/vl-dtld.html http://usa.usembassy.de/etexts/ga3-450426.pdf http://hdl.handle.net.proxy.cc.uic.edu/2027/heb.01... http://books.google.com.vn/books?id=-PMNAAAAQAAJ&p...